Hotline (+84) 1800585871   |   Tuyển dụng   |   Liên hệ

Ứng dụng máy sấy năng lượng mặt trời vào chế biến nông sản

2022-02-17 09:58:45

BDK - Hiện nay, 80% nông dân vẫn sử dụng phương pháp phơi sấy tự nhiên. Đây là phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp. Tuy nhiên, nhược điểm là bị ảnh hưởng yếu tố thời tiết, an toàn vệ sinh, hao hụt cao, tốn nhân công… Trước thực tế đó, rất cần thiết tăng cường ứng dụng công nghệ, đưa các thiết bị sấy vào quá trình chế biến, bảo quản nông sản. Máy sấy năng lượng mặt trời (NLMT) là một giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết bài toán trên, với việc tận dụng tối đa nguồn NLMT để sấy các loại nông, thủy, hải sản.

    Mô hình chuối sấy năng lượng mặt trời tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành.  Ảnh tư liệu

    Mô hình chuối sấy năng lượng mặt trời tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành.  Ảnh tư liệu

    Tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường

    Về nguyên lý hoạt động, máy sấy được đặt ngoài trời để sử dụng trực tiếp nguồn NLMT. Quạt ly tâm hoạt động liên tục để thổi khí nóng từ buồng thu hồi nhiệt xuống buồng sấy. Quạt hút lưu chuyển không khí bên trong nhà sấy, lấy khí ẩm ra ngoài. Hai thiết bị trên được điều khiển bằng biến tần dựa theo tín hiệu độ ẩm.

    Nhà sấy NLMT đã dần trở nên quen thuộc với các cơ sở sản xuất thực phẩm sấy. Từ đó, tạo ra chuỗi sản phẩm sấy thân thiện với môi trường, nâng cao nhận dạng cho các thương hiệu. Với máy sấy NLMT, người sử dụng không cần tốn nhiều thời gian vào việc quan sát và đảo trở sản phẩm, chỉ cần sơ chế sạch sản phẩm, sau đó, đưa vào nhà sấy rồi bật công tắc cho máy sấy hoạt động và đợi thời gian thích hợp nghiệm thu thành phẩm. Giải pháp này đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do diễn ra trong môi trường kín, giảm thất thoát sản lượng trong quá trình sấy. Đồng thời, giảm phát thải khí CO2 giúp bảo vệ môi trường.

    Tiến sĩ Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc ứng dụng công nghệ sấy, trong đó chú trọng đến sấy NLMT theo phương thức mới, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần kéo dài thời gian bảo quản nông, thủy sản; hỗ trợ chế biến nông, thủy sản thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giải quyết được một trong những vấn nạn của ngành nông nghiệp là tồn đọng nông sản và nghịch lý được mùa, mất giá không chỉ ở tỉnh mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

    Hiện nay, phân loại theo nguyên tắc lấy nước ra khỏi thực phẩm, có 3 hình thức sấy chính là sấy đối lưu không khí, sấy chân không và sấy thăng hoa. Theo nhóm phân loại này, sự biến đổi chất lượng của sản phẩm sau sấy ở mức giảm dần, trong đó sấy thăng hoa cho sản phẩm gần như không biến đổi chất lượng so với nguyên liệu. Tuy nhiên, phương pháp sấy đối lưu không khí là phương pháp sấy được sử dụng rộng rãi nhất.

    Nâng cao giá trị sản phẩm

    Bên cạnh phương pháp sấy thủ công, các công nghệ sấy hiện đại tại tỉnh cũng đã và đang dần được trang bị máy sấy. So với buôn bán trái dừa tươi, sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái. Nên nếu ứng dụng công nghệ chế biến để sấy tạo thành sản phẩm bột sữa dừa thì giá trị sản phẩm sẽ cao gấp 4 lần.

    Theo Tiến sĩ Lâm Văn Tân, qua khảo sát, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn đã tiếp cận thiết bị sấy để sản xuất sản phẩm cơm dừa sấy. Điển hình như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX) và Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư hệ thống sấy tầng sôi chuyên biệt để sấy cơm dừa xay, cho sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Hay một số cơ sở sản xuất bánh phồng Sơn Đốc đã trang bị máy sấy đối lưu không khí nóng để nâng cao hiệu quả sản xuất.

    Hiện nay, người dân đánh bắt thủy sản vẫn đang sử dụng nguồn năng lượng từ mặt trời để chế biến khô. Điển hình là Làng nghề cá khô An Thủy, thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, bình quân mỗi năm chế biến từ 1.000 - 1.200 tấn cá khô các loại. Với sự hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ, các công nghệ sấy đã dần được trang bị cho hệ thống chế biến thủy sản tại tỉnh.

    Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho hay, sở đã chủ động triển khai các nhiệm vụ có liên quan, trong đó sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp và tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp được đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, sở ưu tiên đầu tư các máy móc ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh hàng năm. Đồng thời, sở tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ khác và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tìm kiếm thị trường ổn định, bền vững.

    Sở Công Thương tạo điều kiện thu hút các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư ứng dụng NLMT vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể là NLMT trong việc góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

    “Hệ thống đề tài cấp tỉnh cũng đã và đang đầu tư các công nghệ sấy, như chế tạo thiết bị sấy chỉ xơ dừa; nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm dạng sấy từ trái bưởi hoặc từ nguyên liệu thủy sản. Một số đề tài có liên quan công nghệ sấy như: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và chế tạo các thiết bị trong dây chuyền sản xuất bánh phồng Sơn Đốc; Nghiên cứu hoàn thiện đa dạng hóa các sản phẩm từ xoài tứ quý Thạnh Phú; Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị từ con tôm ở Bến Tre; Nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị đặc sản bản địa từ con ruốc tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá hồng mỹ thương phẩm tại tỉnh Bến Tre... Qua đó cho thấy, tiềm năng phát triển công nghệ sấy các mặt hàng nông, thủy sản tại tỉnh là rất lớn, trong đó có công nghệ sấy bằng NLMT”.

    (Tiến sĩ Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)

    Cẩm Trúc