BDK - Tỉnh hiện có trên 74 ngàn héc-ta dừa, trong đó dừa xiêm chiếm gần 20% diện tích, phần lớn đang vào mùa thu hoạch. Qua thực hiện 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, chuỗi dừa cũng như các chuỗi nông sản chủ lực khác trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn từ khâu thu hoạch, sơ chế đến chế biến. Việc chuỗi cung ứng gần như tạm thời bị “đứt gãy” đã khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến dừa chỉ có thể duy trì hoạt động cầm chừng hoặc phải ngưng sản xuất toàn bộ.
Phần lớn diện tích dừa trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: Ng.Diễm
Nông dân sốt ruột
Huyện Mỏ Cày Nam và huyện Giồng Trôm là hai địa phương đứng đầu toàn tỉnh về diện tích dừa, với khoảng 16 - 17 ngàn héc-ta dừa/huyện. Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Đỗ Hoàng Minh cho biết, huyện đang tồn từ 13 - 14 triệu trái dừa công nghiệp. Giãn cách xã hội khiến các cơ sở chế biến dừa không thể hoạt động, gây ra “đứt gãy” chuỗi cung ứng dừa. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tồn đọng dừa nguyên liệu.
Hiện cây dừa đang vô đợt treo trái nên sản lượng dừa trái ở các địa phương không lớn. Tuy nhiên, dừa là nguồn thu nhập quanh năm của người dân và cứ 28 ngày là đến lứa phải thu hoạch trái. Nông dân Bùi Văn Phú, ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: Nhiều người dân ở Định Thủy bị bất ngờ về tình trạng giãn cách xã hội, do chưa có tiền lệ nên không lường trước việc mua bán, vận chuyển sẽ khó khăn. Thế nên, dừa đến lứa thì nông dân cứ thu hoạch. Hiện nhiều hộ gia đình đang chất đống dừa chờ hết giãn cách xã hội có người đến mua.
Mặc dù trái dừa khô có thể neo lại đến khoảng 1 - 2 tháng nhưng dừa rám khi đã thu hoạch thì rất mau hư. Nông dân huyện Mỏ Cày Nam bắt đầu sốt ruột vì: “qua 1 lứa dừa có thể không bẻ, nguồn thu nhập bị mất vẫn còn có thể “cầm cự”. Nhưng đến lứa dừa thứ hai, nếu vẫn trong tình trạng tiếp tục giãn cách, sản xuất chưa phục hồi thì nông dân sẽ rất khó khăn”, nông dân Bùi Văn Phú bày tỏ.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, hiện hàng loạt cơ sở chế biến dừa, điểm sơ chế phải ngưng hoạt động vì không thể đáp ứng “3 tại chỗ”. Người dân nông thôn chỉ có thể đảm bảo “2 tại chỗ” là ăn uống, làm việc tại nơi sơ chế nhưng chiều tối phải về nhà, không thể nghỉ ngơi tại chỗ.
Không đảm bảo “3 tại chỗ”
Nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, DN sơ chế vì không đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” đã dừng hoạt động. HTX Nông nghiệp Châu Hòa, huyện Giồng Trôm là một trong những đầu mối thu gom nguyên liệu cho nhà máy của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex. HTX đã dừng hoạt động từ ngày 19-7-2021 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg do người lao động làm việc tại HTX không đáp ứng “3 tại chỗ”. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Châu Hòa Phạm Quang Đằng cho biết: Bên cạnh việc thu mua dừa uống nước, HTX thực hiện hợp đồng cung ứng dừa nguyên liệu cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex là chủ yếu nhưng do không thực hiện được “3 tại chỗ” nên HTX đã dừng hoạt động hoàn toàn trong 2 đợt giãn cách xã hội.
Thực hiện “3 tại chỗ” ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex. Ảnh: Cẩm Trúc
Cũng theo ông Phạm Quang Đằng, hiện dừa công nghiệp và dừa xiêm đều vào vụ. Sản lượng dừa trên địa bàn rất lớn. Thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội nên xã chỉ còn một vài thương lái nhỏ lẻ hoạt động thu mua, khiến giá dừa xiêm trên địa bàn xã giảm mạnh và mang tính cục bộ, chỉ còn từ 25 - 30 ngàn/đồng chục, so với thị trường bên ngoài từ 70 - 90 ngàn đồng/chục.
Công ty TNHH Funny Fruit, trụ sở tại thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam chuyên sơ chế dừa cung cấp cho các DN sản xuất dừa. “Hiện nay, cơ sở chỉ sản xuất khoảng 3 - 4 tấn thành phẩm là cơm dừa đã được làm sạch vỏ, do giãn cách xã hội nên chúng tôi ngưng hoạt động”, Giám đốc Công ty TNHH Funny Fruit Huỳnh Minh Thành chia sẻ.
Dừng sản xuất do hết nguyên liệu
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành) đã buộc phải dừng sản xuất toàn bộ cả 2 nhà máy kể từ đợt giãn cách thứ hai do hết nguyên liệu. Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho biết: Hai nhà máy sản xuất 500 ngàn trái dừa/ngày. Để duy trì sản xuất trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, công ty thực hiện đăng ký “3 tại chỗ”, với 600 công nhân đáp ứng sản xuất, ăn, nghỉ tại công ty. Tuy nhiên, do việc siết chặt đi lại của các địa phương dẫn đến việc thu gom không thể tiến hành, sơ chế, vận chuyển dừa đến nhà máy đều phải dừng hoạt động, khiến nhà máy tạm thời bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất.
Kết quả, sau 14 ngày giãn cách xã hội đợt 1, nhà máy không còn dừa nguyên liệu sản xuất. Đó cũng là lý do công ty giảm lao động xuống. Đến nay, công ty còn khoảng 60 người, chủ yếu ở các bộ phận xuất hàng, cung ứng, giao hàng cho hệ thống siêu thị.
Cũng theo ông Cù Văn Thành, được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, kể từ ngày 11-8-2021, đội ngũ thu gom, cũng như các vệ tinh sơ chế dừa của công ty sẽ hoạt động trở lại trong điều kiện phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Các nhà máy sẽ khởi động lại, với công suất bình thường sau thời gian giãn cách xã hội đợt hai.
“Không chỉ thu mua dừa trong vùng nguyên liệu có liên kết với công ty mà chúng tôi sẽ mở rộng thu mua dừa trong dân. Giá mua tại nhà máy từ 80 - 90 ngàn đồng/chục (12 trái), nhằm giải quyết số lượng dừa đang cần tiêu thụ trong dân”, ông Cù Văn Thành khẳng định.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước sản lượng dừa uống nước trong tháng 8-2021 là 9,5 triệu trái, dừa khô (dừa công nghiệp) 32,6 triệu trái. Thông qua sự kết nối hỗ trợ tích cực của Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm này, đã hỗ trợ tiêu thụ trên 2 triệu trái dừa uống nước và trên 3,3 triệu trái dừa khô.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Công Thương đã đóng vai trò kết nối DN TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ dừa trên địa bàn tỉnh. Dừa xiêm tiêu thụ 1,3 triệu trái; dừa khô tiêu thụ 1,1 triệu trái.
“Thời gian đầu giãn cách, chuỗi dừa cũng như các chuỗi nông sản khác gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho chuỗi dừa vừa duy trì, vừa đảm bảo phòng chống dịch, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động thu hái, sơ chế, vận chuyển hoạt động, nhất là đối với các xã “vùng xanh” và các xã đã cơ bản khống chế được dịch bệnh”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.
|
C. Trúc - T. Thảo
Nguồn: Báo Đồng Khởi