Hotline (+84) 1800585871   |   Tuyển dụng   |   Liên hệ

DOANH NGHIỆP VIỆT VÀ CUỘC CHƠI ĐẦY THÁCH THỨC VỚI AMAZON

2019-07-05 03:49:39

Tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu 

Amazon, siêu thị online có hàng tỷ lượt truy cập mỗi ngày với biểu tượng mũi tên đặc trưng nối liền từ A → Z đang có động thái tiếp cận thị trường Việt Nam mạnh hơn. Thông qua việc bắt tay với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Chương trình Amazon Global Selling có được 100 doanh nghiệp tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Chương trình.

Amazon Global Selling sẽ giới thiệu những dịch vụ dành cho người bán hàng khi tham gia các mô hình thương mại điện tử toàn cầu (online marketplace), bao gồm những hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hoàn tất thủ tục xuất khẩu...

Thông qua Chương trình Amazon Global Selling, nhà bán hàng thuộc nhiều loại hình và quy mô khác nhau có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng tại nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. 

Ông Berard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam nổi tiếng với năng lực sản xuất hàng đầu và Chương trình Amazon Global Selling có nhiều lợi thế đặc biệt với các nguồn lực từ khắp thế giới, cũng như không ngừng cải tiến để đưa người bán hàng của các quốc gia tới thị trường quốc tế. 

Bán hàng trên Amazon cũng chính là một hình thức xuất khẩu xuyên biên giới, do đó khó khăn và thách thức luôn tiềm ẩn.

Có thể nói, bán hàng trên Amazon hay Ebay được coi là cuộc cách mạng lớn trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu và là cơ hội lớn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn quảng bá, phân phối sản phẩm ra thế giới hoặc các bạn trẻ đam mê kinh doanh trên con đường đi tìm “miền đất hứa”, nhưng chưa biết phải khởi đầu từ đâu.

Đưa lên thì dễ, bán chạy mới khó

Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua các kênh trực tuyến Amazon. Cụ thể, hơn 1 năm trước, sản phẩm Cocoxim của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đã có mặt trên website amazon.com. Đây cũng là lần đầu tiên, một doanh nghiệp trong ngành nước dừa đóng hộp của Việt Nam bán nước dừa trên trang Amazon.

Sản phẩm của Betrimex được bán trên Amazon

Sản phẩm của Betrimex được bán trên Amazon


Công ty Nhựa Duy Tân hướng đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất nhựa hàng đầu trong nước và khu vực ASEAN. Ngoài việc đầu tư nhà máy sản xuất bên Mỹ, Công ty bắt đầu có động thái tham gia sân chơi thương mại điện tử. Việc nằm trong danh sách 100 công ty thuộc Chương trình Amazon Global Selling cũng giúp Công ty có thêm động lực đầu tư. 

Bà Dương Từ Uyên Thảo, Giám đốc kinh doanh của Công ty Nhựa Duy Tân cho hay, thị trường xuất khẩu của Công ty tăng trưởng rất mạnh, mỗi năm đều đặn 2 con số, thậm chí năm 2018 tăng tới 50%, với khách hàng truyền thống là Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ, EU… Tuy nhiên, Công ty sẽ phải đầu tư mạnh cho mảng bán hàng online vì xu hướng bùng nổ thương mại điện tử toàn cầu. Sắp tới, Công ty sẽ có đội ngũ thiết kế riêng những sản phẩm để bán trên Amazon, đó là những dòng sản phẩm nhựa gia dụng thuộc phân khúc trung, cao cấp. 

Nhìn thấy “mỏ vàng”, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, đưa hàng lên Amazon không khó, để hàng bán chạy mới khó. Được xem là một trong các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa máy đưa võng lên bán ở Amazon, tuy đã bán hàng được nhiều năm, nhưng Công ty An Thái Sơn thừa nhận, doanh số trên Amazon chỉ chiếm một phần rất nhỏ, mỗi tháng chỉ bán gần 100 trăm chiếc máy và khách chủ yếu là Việt kiều.

Cũng đưa cà phê Việt Nam lên Amazon từ 3 năm trước, sản phẩm bán ra đắt gấp 3 lần so với giá trong nước, nhưng thời gian đầu, việc tiếp cận khách hàng trên Amazon thực sự là bài toán khó với bà Trịnh Thị Bích Thảo, Giám đốc điều hành Anni Coffee, bởi cà phê Việt Nam không phải là sản phẩm duy nhất trên chợ thương mại điện tử này.

Theo bà Dương Từ Uyên Thảo, bán hàng trên Amazon đòi hỏi nhiều công sức, không chỉ đưa hàng lên là bán được, cần hình ảnh đẹp, sản phẩm tốt đúng cam kết và phải xem kỹ đối thủ cùng ngành đang bán sản phẩm gì trên đó. 

Ngoài ra, để một sản phẩm có thể bán hàng trên Amazon, các doanh nghiệp phải vượt qua hàng loạt yêu cầu khắt khe từ trang bán hàng điện tử này. Đối với hàng nông sản, thực phẩm, cần đáp ứng những yêu cầu về chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, chứng nhận về nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ. 

Hầu hết các doanh nghiệp đều thấy hiệu quả kinh tế hấp dẫn mà Amazon mang đến. Tuy nhiên, không phải tự nhiên các đối tác của Amazon có được cơ hội tốt như vậy. Bên cạnh đó, dù chỉ là trên môi trường online, nhưng việc bán hàng trên Amazon cũng chính là một hình thức xuất khẩu xuyên biên giới, do đó khó khăn và thách thức luôn tiềm ẩn.

Mới có hơn 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện mới có hơn 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon, con số còn khá khiêm tốn, nhất là với hàng loạt mặt hàng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất... vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy doanh số bán hàng không lớn, nhưng đây cũng được xem là kênh tiếp thị hiệu quả của doanh nghiệp.

Theo Báo Đầu tư